Huyết áp cao – bệnh lý phổ biến ở người cao tuổi
Huyết áp cao là một căn bệnh mạn tính, thường gặp ở người cao tuổi. Người bị bệnh cao huyết áp có thể gặp phải các biến chứng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Huyết áp cao là một trong những lý do dẫn đến tai biến mạch máu não và làm gia tăng nguy cơ tử vong. Vậy làm thế nào để phòng tránh căn bệnh nguy hiểm này.
1. Huyết áp cao là gì?
Huyết áp là lực của máu tác động lên thành mạch máu khi máu được tim đi bơm máu đi khắp cơ thế. Bệnh cao huyết áp xảy ra khi máu lưu thông dưới một áp suất tăng cao lâu dài.
Vậy huyết áp bao nhiêu là cao? Huyết áp của chúng ta được đo bằng hai chỉ số, đó là huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương. Đối với người khỏe mạnh, chỉ số huyết áp tâm thu sẽ thấp hơn 120 mmHg, huyết áp tâm trương thấp hơn 80 mmHg. Nếu huyết áp tâm thu bằng hoặc lớn hơn 140 mmHg, huyết áp tâm trương bằng hoặc lớn hơn 90 mmHg và tình trạng đó kéo dài thêm vài tuần thì bạn đã bị cao huyết áp.
2. Triệu chứng cao huyết áp
Nếu nhận thấy các triệu chứng cao huyết áp sau, bạn cần tới bệnh viện kiểm tra ngay để biết được tình trạng bệnh của mình và tìm cách khắc phục:
· Thường xuyên cảm thấy choáng váng, nhức đầu.
· Chóng mặt, ù tai, hoa mắt.
· Kéo dài tình trạng mất ngủ, đỏ mặt.
· Khó thở, đau tức ngực.
· Hay trong trạng thái hồi hộp.
Tuy nhiên, đa số người bệnh tăng huyết áp thường không thấy triệu chứng gì rõ rệt, vì vậy họ không biết mình bị bệnh. Nếu nhận thấy các dấu hiệu trên, bệnh của bạn có thể có tiến triển khá nặng.
Bệnh huyết áp cao gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho các bộ phận khác trong cơ thể, đặc biệt là các bộ phận sau:
· Tim: Bệnh huyết áp cao có thể dẫn đến suy tim, to tim, rối loạn nhịp tim. Người mắc bệnh này có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim, thậm chí tử vong.
· Thận: Căn bệnh này làm hỏng màng lọc thận, gây suy thận.
· Não: Tăng huyết áp làm thiếu máu não, tai biến mạch máu não. Điều này có thể nhận thấy qua nhiều triệu chứng như đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn…
· Mắt: Cao huyết áp gây xuất huyết võng mạc, mờ mắt, có thể làm bệnh nhân bị mù mắt.
Có thể thấy huyết áp cao hiện nay đang là căn bệnh phổ biến và ảnh hưởng nghiêm trọng đến người bệnh bởi những biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là với người cao tuổi.
3. Nguyên nhân cao huyết áp
Nguyên nhân cao huyết áp được các chuyên gia xác định như sau: Bệnh nhân gặp vấn đề về thận, các khối u tuyến thượng thận, nghẹt thở khi ngủ, vấn đề về tuyến giáp, sử dụng một số loại thuốc bất hợp pháp, chất kích thích, lạm dụng rượu bia…
Bên cạnh đó, có một số nguy cơ làm gia tăng khả năng mắc bệnh cao huyết áp:
· Độ tuổi: Nam giới trên 45 tuổi và nữ giới trên 65 tuổi có nguy cơ cao huyết áp lớn.
· Thừa cân, béo phì: Béo phì làm cho khối lượng máu lưu thông tăng lên, từ đó làm cho thành mạch phải chịu áp lực cao.
· Ăn mặn: Thói quen này làm tăng tiền gánh, dẫn tới bệnh tăng huyết áp.
· Bổ sung ít kali và vitamin D: Đây cũng là những yếu tố làm huyết áp của bạn cao hơn mức bình thường.
· Căng thẳng, stress: Điều này có thể dẫn đến huyết áp cao tạm thời.
4. Cách điều trị cao huyết áp ở người lớn tuổi
Cao huyết áp là căn bệnh khó tránh khỏi ở người lớn tuổi. Vậy làm sao để điều trị hiệu quả căn bệnh này? Hãy tham khảo một số cách sau đây:
· Xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh, không ăn quá mặt, mỗi ngày chỉ sử dụng tối đa 5g muối, bổ sung nhiều vitamin. Hạn chế dùng mỡ động vật, nên thay bằng dầu thực vật.
· Hạn chế rượu bia, thuốc lá, chất kích thích.
· Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, ngủ đủ giấc, không thức khuya.
Đặc biệt, để điều trị huyết áp cao, người bệnh cần sử dụng các loại thuốc theo yêu cầu của bác sĩ.