Kiến ba khoang là loại côn trùng chứa độc tố gây hại cho con người, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ. Độc tính có trong cơ thể của kiến ba khoang mạnh gấp 12 – 15 lần nọc của loài rắn hổ. Vì vậy, chúng ta cần có biện pháp xử lý kịp thời khi bị kiến ba khoang đốt, tránh hậu quả nghiêm trọng.
Kiến ba khoang cắn có thể gây tổn thương da trên diện rộng nếu không được xử lý kịp thời. Tìm hiểu ngay các biện pháp xử lý nhanh khi gặp phải tình trạng này.
- Kiến ba khoang là gì? Cách nhận biết kiến ba khoang?
Kiến 3 khoang là một loài kiến có cánh có tên khoa học là Paederus fuscipes. Đây là loài côn trùng phổ biến ở vùng có khí hậu ẩm ướt, chúng thường sinh sống ở các ruộng lúa, vườn cây, cỏ, bãi rác, các công trình xây dựng… Đặc biệt, kiến ba khoang xuất hiện nhiều hơn vào mùa mưa, khi không khí có độ ẩm cao.
Ảnh 1: Hình dạng của kiến ba khoang.
Các đặc điểm nhận biết kiến ba khoang gồm có:
- Thân hình thon và dài giống như hạt thóc với chiều dài khoảng từ 0.7 – 1 cm, chiều ngang từ 2 – 5 mm.
- Có 3 đôi chân, thân hình thon nhọn về đuôi, bụng có các đốt.
- Các khoang có màu đen và đỏ, trong đó đầu và bụng dưới có màu đen, phần ngực và bụng trên màu đỏ.
- Có bộ cánh trong suốt và gấp gọn ở dưới cánh cứng.
- Loài kiến này rất hiếm khi bay, thay vào đó là khả năng bò rất nhanh.
- Kiến ba khoang nguy hiểm như thế nào?
Tình trạng kiến ba khoang cắn gây nguy hiểm đã được cảnh báo từ rất lâu, vậy tại sao loài côn trùng nhỏ bé này lại gây hại?
Lý do là bởi trong cơ thể của kiến ba khoang có chứa một loại độc tố có tên là Pederin – với độc tính mạnh gấp 12 – 15 lần nọc của rắn hổ. Tuy nhiên, do lượng tiếp xúc khá nhỏ và chỉ ở ngoài ra nên kiến ba khoang không gây chết người như nọc rắn.
Khi bị kiến ba khoang đốt, bệnh nhân sẽ bị tổn thương da theo mức độ từ nhẹ đến nặng, tùy thuộc vào lượng độc tố và các biện pháp xử lý sau đó. Thông thường, độc tố Pederin sẽ gây rộp, phỏng da và viêm da. Các tổn thương thường xuất hiện tại các vùng hở như mặt, cổ, vai, gáy, ngực và tay.
- Triệu chứng và cách xử lý khi bị kiến ba khoang cắn
Khi bị kiến ba khoang đốt, bạn có thể nhận thấy các biểu hiện lâm sàng sau:
- Xuất hiện tổn thương da có dạng dát đỏ, thành đám hoặc thành vệt, vùng tổn thương theo chiều tay quệt, có mụn hoặc mụn mủ nhỏ li ti ở giữa.
- Có vùng tổn thương bị lõm và có màu vàng nâu, vết lõm hình tròn hoặc hình bầu dục.
- Vùng tổn thương lan rộng nếu người bệnh gãi và quệt ra vùng da lành, đặc biệt là các vùng nếp gấp.
- Cảm giác bỏng rát tại khu vực bị kiến cắn.
- Khi tổn thương trên diện rộng sẽ kèm theo triệu chứng sốt nhẹ, nổi hạch lân cận.
Ảnh 2: Các tổn thương do kiến ba khoang gây ra.
Cách xử lý nhanh sau khi bị kiến ba khoang đốt:
- Dùng cồn 70 độ hoặc các loại xà phòng dịu nhẹ để rửa sạch vùng da bị kiến cắn.
- Đến gặp bác sĩ da liễu để khám và tư vấn sử dụng các loại thuốc điều trị phù hợp. Lưu ý, không tự ý bôi thuốc lên vùng da tổn thương.
- Thông thường, các trường hợp nhẹ chỉ cần dùng thuốc sát trùng, các trường hợp trung bình đến nặng phải bôi các loại thuốc làm dịu da, uống kháng histamin và kháng sinh nếu có dấu hiệu bội nhiễm.
- Phòng ngừa kiến ba khoang
Để phòng ngừa kiến ba khoang, chúng ta cần:
- Thay thế đèn huỳnh quang bằng đến có ánh sáng vàng ở những nơi có kiến ba khoang.
- Hạn chế đứng dưới bóng đèn sang ở các nơi công cộng.
- Chú ý khi làm việc ở dưới ánh đèn.
- Dùng lưới che chắn ở các cửa sổ, cửa ra vào, hạn chế mở cửa để ngăn kiến ba khoang vào nhà.
- Nhớ mắc màn khi đi ngủ, giũ khăn mặt, quần áo trước khi mặc.
- Vệ sinh môi trường sạch sẽ, phát quang bụi rậm và cây cỏ nơi sinh sống.
- Dùng phương tiện bảo hộ, quần áo dài, mũ nón, khẩu trang… khi làm đồng ruộng.
Nếu không xử lý kịp thời, vùng da tổn thương do kiến ba khoang sẽ trở nên nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến hoại tử. Vì vậy, hãy lưu ý những biện pháp phòng ngừa và chữa trị kể trên. Ngoài ra, bạn có thể tham khảo các loại thuốc giúp giảm các triệu chứng tại đây.